top of page

Shark Tank Việt Nam Thương vụ bạc tỷ tập 5: Tiến sĩ hàng không gọi vốn 27 tỷ

Sau 4 tuần lên sóng với rất nhiều cung bậc “hỉ nộ ái ố” không chỉ từ phía những người tham gia chương trình mà cả với khán giả truyền hình, Shark Tank đã bước vào tập 5 với ấn tượng mạnh về cú gọi vốn “khủng” của một ngôi sao đang lên trong lĩnh vực “săn” vé máy bay tại Việt Nam.

Thương vụ gây sốc nhất tại Shark Tank cho đến thời điểm này có lẽ là cú gọi vốn mang tên 1,2 triệu đô la (27 tỷ cho 15% cổ phần) của startup Nguyễn Văn Phong, “cha đẻ” của Công ty Atadi – mô hình săn vé máy bay trực tuyến đang trở thành hiện tượng trong giới khởi nghiệp. Đây là số tiền gọi vốn đầu tư lớn nhất kể từ lúc Shark Tank VN lên sóng đến nay.

Shark Tank Việt Nam đã phát sóng được 4 tuần

Nhà sáng lập đồng thời là tiến sĩ tự động hóa của ngành hàng không khẳng định quyết tâm gọi số vốn “khủng” để đầu tư cho nền tảng phân phối phòng khách sạn trực tuyến, với lý thuyết kinh doanh copy từ mô hình thành công của hàng không giá rẻ và niềm tin có thể thay đổi “cuộc chơi” về mặt bằng giá cả khách sạn bằng công nghệ phân phối mới. Cùng với người đồng sáng lập và chuyên gia về trí tuệ nhân tạo, startup Nguyễn Văn Phong tin rằng có thể xây dựng được một mạng lưới đủ sức “sửa chữa” các khiếm khuyết của những nhà cung cấp dịch vụ khách sạn lừng danh như Traveloka, Booking.com hay Agoda.

Đã có lúc, người xem cảm thấy “nghẹt thở” trước các đòn tấn công của “nhóm cá mập” cho một mô hình kinh doanh được xây dựng trên nền tảng của những thuật toán phức tạp. Tuy nhiên, vị startup tiến sĩ cũng đã chứng tỏ mình “không phải dạng vừa đâu” khi cho thấy hiệu quả của mảng kinh doanh vé máy bay bằng các con số tăng trưởng bền vững để có mức hòa vốn ngay từ năm 2017.

Kiên quyết với mô hình kinh doanh phát triển thị trường bằng cách làm tăng tổng cầu chứ không chỉ giành giật thị phần từ các đối thủ, nhà sáng lập Atadi dù vậy vẫn chưa thể thuyết phục được “shark” Linh – người đã từng có kinh nghiệm “đau thương” ở một startup tương tự và “shark” Hưng – người không tin rằng có thể hoàn toàn copy mô hình hàng không giá rẻ để gây dựng nên một thị trường mới có tên là “khách sạn giá rẻ”. Với “shark” Khoa, lời từ chối cũng đến từ sự e ngại về việc Atadi sẽ phải “đấu” với nhiều thương hiệu lớn trên thế giới trong nay mai.

Thật vậy, là người đồng hành cùng Shark Tank, ông Lê Xuân Nga, tổng giám đốc trang Nghemoigioi.vn – một sản phẩm của CENLAND, nơi niêm yết hàng ngàn dự án bất động sản trên toàn quốc của hàng trăm chủ đầu tư chia sẻ “cái khó nhất khi quyết định xuống tiền cho một startup là doanh nghiệp phải khẳng định được đầu ra. Dù dự án tốt nhưng không khẳng định được sẽ bán cho ai thì đó thực sự là một rủi ro cho nhà đầu tư”.

Điều bất ngờ ở chỗ “tay chơi lớn” còn lại trên ghế nóng - “shark” Phú - đã không ngần ngại “một mình một ngựa” khi “phát giá” sẽ chấp nhận con số “khủng” 27 tỷ đồng (tương đương 50% vốn) với điều kiện phải “neo” khoản đầu tư theo kết quả kinh doanh mảng vé máy bay! Thế nhưng ông chủ Atadi dường như không hề nao núng khi quả quyết chỉ chấp nhận mức sở hữu 35% cho nhà đầu tư ở vòng gọi vốn đầu tiên. Startup này cho rằng nếu dành cho nhà đầu tư mới “nhập cuộc” tỷ lệ nắm giữ quá cao thì các nhà sáng lập sẽ mất động lực làm việc. Và đáng lo ngại hơn cả là bản thân “cha đẻ” của Atadi sẽ không còn quyền phủ quyết nên khó mà thực thi các kế hoạch kinh doanh.

Đón xem “Shark Tank Việt Nam – Thương Vụ Bạc Tỷ” chương trình thực tế về đầu tư khởi nghiệp được phát sóng lúc 11h10 thứ 7 hàng tuần trên kênh VTV3

bottom of page