Giá cà phê hôm nay đang giảm
Giá cà phê hôm nay kỳ hạn robusta trên sàn London thêm một tuần có kết quả giảm. Dù giá cà phê arabica nỗ lực kéo lên cùng, sàn robusta vẫn một mực từ chối.
Thị trường giá cà phê:
Giá cà phê kỳ hạn robusta London thêm một tuần có kết quả giảm. Dù giá cà phê arabica nỗ lực kéo lên cùng, sàn robusta vẫn một mực từ chối. Giá cà phê arabica chốt phiên cuối tuần tại 130.15 cts/lb, tăng 1.15 cts/lb so với cùng kỳ của tuần trước đó. Ngược lại, giá đóng cửa sàn robusta đang xuống dần, từ 1977 USD/tấn trong ngày giao dịch đầu niên vụ 2017/18 xuống 1965 USD/tấn ngày 20/10 và đến ngày 27/10, giá robusta chỉ còn 1944 USD/tấn. Đây cũng là mức đóng cửa thấp nhất từ ngày bắt đầu niên vụ mới đến nay.
New York có kết quả chung cuộc tăng dù chỉ số đồng USD trong những ngày vừa qua không ủng hộ hướng lên cho giá hàng hóa nói chung. Khi đồng USD tăng, giá hàng hóa nông sản thường giảm do chi phí tài chính cao nên nhà đầu tư phải bán bớt hàng để cân đối mối quan hệ tiền-hàng.
>>> Xem thông tin giá cà phê: http://vietnambiz.vn/gia-ca-phe-hom-nay-411-quay-dau-giam-100-400-dongkg-36508.html
Đặc biệt với sàn arabica, đồng nội tệ Brazil (BRL) mất giá thường tạo nên những cuộc bán tháo cà phê arabica do sức bán mạnh nhờ thu nhập bằng đồng nội tệ của nông dân nước này bấy giờ cao hơn. Nhưng tuần qua, giá arabica đứng rất vững. Chỉ có sàn robusta là “vật hy sinh”.
Giá London giảm kéo theo giá cà phê trên thị trường nội địa xuống. Đến cuối tuần qua, giá cà phê nhiều nơi ở các tỉnh Tây nguyên chỉ còn từ 41,5-42 triệu đồng/tấn, giảm 1 triệu đồng so với tuần trước đó. Dự báo giá cà phê tuần này 30/10 - 4/11: Áp lực chốt bán bên sàn robusta Giá London yếu dần vào những ngày cuối tháng 10/2017 có thể được giải thích rằng kỳ hạn tháng 11/2017 chuẩn bị trở thành tháng giao ngay (spot month). Sức ép chốt giá những hợp đồng hàng thực đang chịu thúc bách chốt bán. Hơn nữa, các quỹ đầu cơ trên sàn này từ vài tuần này đã có thái độ muốn bán thay vì dư mua như trước đây.
Hai lực chính trên sàn kỳ hạn London đều muốn bán ra trong khi Việt Nam, nước xuất khẩu robusta hàng đầu thế giới chuẩn bị vào cao điểm thu hái. Vả lại, bản quyết toán vị thế kinh doanh của của sàn robusta cho biết các quỹ đầu tư còn nhiều dư địa để bán tiếp.
Đến ngày 27/10, khối lượng dư bán của các quỹ đầu tư chỉ chưa đến 55.000 tấn. Ngược lại, trên sàn arabica, các quỹ đầu tư đang bị “bức bách” mua vì khối lượng dư bán đã vượt khỏi mức kỷ lục cũ là 42.454 lô để đạt gần 47.000 lô hay trên 817.000 tấn!
Không chần chờ, các quỹ đầu tư trên sàn New York buộc phải mua thanh lý mà không cần quan tâm đến chỉ số USD hay đồng BRL dù đang trong thế rất bất lợi cho giá cà phê sàn này.
Liên tục chịu áp lực bán trong tuần, giá robusta đóng cửa cuối tuần qua ở mức 1944 USD/tấn cơ sở tháng 1/2018. Mức này nằm dưới tất cả các điểm bình quân động (BQĐ) gồm 20 ngày ở 1965, 50 ngày ở 1984.
Nếu như tuần này London có cố gắng chăng để trụ từ 1965-1999 USD/tấn đó sẽ là một nỗ lực tuyệt vời. Hấp lực xuống của sàn robusta còn rất mạnh. Khu vực 1920-1930 sẽ là một thử thách lớn lao cho sàn này. Để mất khu vực này, sàn London sẽ quay sang hướng tiêu cực, nhất là khi mất mốc tâm lý quan trọng 1900 USD/tấn .
Thị trường cà phê trong nước
Cấu trúc vắt giá trên sàn London vẫn tồn tại và còn chênh nhau khá lớn với 66 USD/tấn giữa tháng 11/2017 với tháng 1/2018. Giá đầu vào cho cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ giao cách nay mấy tháng rất cao, bấy giờ có thể 44-45 triệu đồng/tấn. Dù giá đóng cửa tháng 11/17 hiện nay cao ở 1985 USD/tấn, mức ấy vẫn chỉ quanh 43 triệu đồng/tấn.
Như vậy, cân đối đầu vào và đầu ra các hợp đồng tháng 11/2017, nhiều nhà xuất khẩu Việt Nam vẫn lỗ từ 1-2 triệu đồng/tấn. Cho nên, có tin rằng một số nhà nhập khẩu đang lên tiếng chấp nhận cho người bán chuyển tháng chốt giá sang 1/2018 hay 3/2018. Đáng ra, dựa trên cấu trúc vắt giá, một cách công bằng, người mua phải trả cho bên bán giá chênh lệch (chừng 60-66 USD/tấn) vì giá tháng 11/2017 cao hơn hai tháng kia (xem hình 1 cấu trúc vắt giá). Nhưng không! Lợi dụng “thế kẹt”, không những các nhà xuất khẩu không kiếm được tiền chênh lệch mà còn phải trả phí thêm chừng 10 USD/tấn.
Đấy là một bất công đối với các nhà xuất khẩu do họ thiếu công cụ kinh doanh như mở tài khoản giao dịch trên các sàn giao dịch phái sinh tài chính...
Nếu như ngành cà phê có bộ phận tư vấn để giúp họ sử dụng được các công cụ này, các nhà xuất khẩu có thể chốt bán hàng thực đã giao cho người mua và mua lại trên sàn kỳ hạn nếu như họ cho rằng giá sẽ tăng để tránh thiệt thòi khi kinh doanh cà phê và các loại hàng hóa có giao dịch trên sàn kỳ hạn.
Dù chuyển đổi tháng chốt bán từ 11/2017 sang các tháng sau, động tác bán tháng 11/2017 vẫn phải thực hiện nên sức ép giá xuống do chốt giá vẫn còn trên sàn London, ít ra cho đến hết ngày 31/10/2017.
Hy vọng khi hết áp lực chốt bán, giá kỳ hạn robusta sẽ phục hồi đôi chút và bấy giờ có giúp thêm cho giá cà phê nội địa tăng thêm được chút nào chăng.
Nếu như áp lực bán trên sàn London ở đầu tuần này qua yên thấm mà không phạm các mức kỹ thuật theo hướng tiêu cực, có thể đoán một đợt phục hồi nhẹ ở cuối tuần. Nhìn theo cách này, giá cà phê nội địa có thể dao động từ khoảng 41-42,5 triệu đồng/tấn, yếu đầu tuần và cuối tuần mạnh hơn.
Cập nhật nhiều thông tin giá cà phê hôm nay và giá cà phê trực tuyến hằng ngày
Nguồn: NCIF/BNEWS